Xã An Phú - Hớn Quản - Bình Phướchttps://anphu.honquan.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ ba - 30/05/2023 23:072620
HỆ LỤY CỦA VIỆC KHOE THÀNH TÍCH CỦA CON TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Những năm gần đây, mỗi khi kết thúc năm học là trên mạng xã hội, rất nhiều phụ huynh đăng tải hình ảnh thành tích học tập của con với những bảng điểm “full” 10, rồi đủ các loại giấy khen kèm theo.
Đương nhiên, đã làm cha làm mẹ thì ai cũng muốn con mình học giỏi và việc khoe thành tích của con để bạn bè, người thân biết và chia sẻ niềm vui là không sai nhưng cũng sẽ để lại hệ lụy.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Chủ trương ưu tiên, miễn cho những học sinh có giấy khen, học giỏi, có điểm cao... để vào thẳng một số trường đại học là không sai. Việc này nhằm tạo điều kiện cho những học sinh giỏi được vào trường đại học một cách thuận lợi và giảm bớt những sự phiền phức về vấn đề thi cử.
“Trước hết, tôi khẳng định chủ trương trên là đúng nhưng thực tế hiện nay do việc chưa có cơ chế để giám sát vấn đề cho điểm hoặc cấp giấy khen một cách công bằng nên dẫn đến tình trạng giấy khen được cấp tràn lan. Hơn nữa, những người cho điểm, trao giấy khen cũng là vì bệnh thành tích. Do đó, dẫn đến việc đánh giá không đúng thực chất học lực của học sinh”, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ cho biết.
Theo PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, ở một số nước trên thế giới, học sinh THPT khi lên đến bậc đại học thì các trường cứ tuyển vào, kể cả người giỏi và có điểm cao, điểm thấp. Sau đó, các trường sẽ ra một bài kiểm tra để đánh giá xem có đúng với thực chất học lực mà trường mong muốn hay không. Như thế sẽ bộc lộ ngay thực chất học lực của từng học sinh. Nếu điểm 10 không đúng với thực tế thì đương nhiên các em cũng sẽ bị xếp loại xuống mức đúng với quy định của trường.
“Tôi nghĩ rằng vấn đề này rất đơn giản. Bây giờ, ngành giáo dục đề ra những cơ chế nên tạo ra sự phức tạp. Trước tình hình đó thì tùy theo từng trường có cách ứng xử một cách khôn khéo thì sẽ tìm ra được những đối tượng để đào tạo được tốt hơn”, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định.
Theo PGS,TS Trần Xuân Nhĩ, đương nhiên, chủ trương chung của ngành giáo dục rất tốt đẹp, tạo điều kiện cho những học sinh có học lực học khá, giỏi. Đây là chủ trương đúng đắn, không có gì sai. Nhưng hiện nay, quyền tự chủ thuộc về các trường. Vì thế, nhà trường có thể thực hiện và không thực hiện. Việc kiểm tra chất lượng thực chất của học sinh là điểm thực hay điểm “ảo” thì mỗi trường có quyền tính toán để có những học sinh giỏi thực chất và đào tạo được kết quả tốt.
PGS, TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, hiện tượng khoe con điểm 10 trên mạng xã hội cũng là bởi nước ta vẫn còn tồn tại hiện tượng gọi là “vụ thành tích” tức là có điểm 10 và giấy khen là có thành tích. Do đó vì “bệnh” thành tích đó mà ở các địa phương đưa ra cơ chế là trường nào đào tạo nhiều em đạt điểm 10, nhiều em có thành tích, nhiều giấy khen thì xem đó như là trường tốt. Bởi thế, sẽ tồn tại tình trạng chạy theo thành tích. Ở một số nước trên thế giới, thành tích, khen thưởng luôn thực chất, rõ ràng và minh bạch.
Đương nhiên, bố mẹ thì ai cũng muốn con mình giỏi, nhưng phải giỏi thực chất chứ giỏi theo kiểu chạy theo thành tích thì sẽ tạo áp lực cho con. Mỗi bước trưởng thành của con luôn cần sự động viên, khích lệ của những người cha, người mẹ. Có rất nhiều cách để động viên con học tập tốt nhưng các bậc phụ huynh không nên quá lạm dụng mạng xã hội để “khoe” con và không phải đứa trẻ nào cũng thích điều này. Hãy lắng nghe và luôn chuẩn bị cho con tâm thế trước tương lai đang chờ đợi phía trước./.
Tác giả: Khánh Huyền
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
Báo cáo Kết quả thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” năm 2024